Từ đầu năm đến nay, các bệnh viện liên tiếp điều trị các ca não mô cầu nặng, đã có ca tử vong. Ca tử vong là quân nhân 24 tuổi ngừng tuần hoàn ngoại viện do sốc nhiễm khuẩn não mô cầu thể tối cấp. Trước đó, bệnh nhân chỉ có biểu hiện sốt, buồn nôn và đau bụng. Gần đây nhất, Bệnh viện Bạch Mai cũng điều trị cho 2 bệnh nhân 21 tuổi và 17 tuổi mắc não mô cầu nặng. Trong đó, bệnh nhân 17 tuổi ở Thái Bình gặp biến chứng viêm cơ tim, nhồi máu não. 74 trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân được theo dõi.

Theo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế), bệnh do não mô cầu là 1 trong 10 bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ tử vong cao nhất Việt Nam. Bệnh có thể gây tử vong chỉ trong 24 tiếng kể từ khi xuất hiện triệu chứng. Các biểu hiện ban đầu của bệnh như sốt, viêm họng dễ nhầm lẫn với cảm cúm thông thường, khó phát hiện và chẩn đoán sớm.
Theo Bộ Y tế, bệnh do não mô cầu có thể gặp ở mọi đối tượng, trong đó hai nhóm có tỷ lệ mắc bệnh cao nhất là nhóm trẻ dưới 5 tuổi và thanh, thiếu niên.
Cục phòng bệnh (Bộ Y tế) ghi nhận khoảng 50% bệnh nhân mắc bệnh do não mô cầu tử vong nếu không được điều trị và tỷ lệ tử vong lên đến 15% dù được điều trị kịp thời. Có đến 20% bệnh nhân sống sót sau bệnh do não mô cầu phải chịu nhiều di chứng về thể chất và tinh thần như cắt cụt chi, điếc, mù lòa, chậm phát triển tâm thần và hành vi…
Vi khuẩn não mô cầu lây qua đường hô hấp, nguồn lây bệnh chủ yếu là bệnh nhân và người lành mang trùng. Theo Cục phòng bệnh, có từ 10-20% người mang vi khuẩn não mô cầu nhưng không có biểu hiện triệu chứng là nguồn lây bệnh khó kiểm soát. Trong đó, các nghiên cứu ước tính có 24% thanh thiếu niên 19 tuổi mang trùng não mô cầu cao mà không có triệu chứng.
Các chuyên gia lý giải do tỷ lệ người lành mang trùng cao và thường xuyên có các hành vi thân mật như hôn nhau, hút thuốc lá hoặc sinh hoạt ở nơi tập trung đông người như ký túc xá, câu lạc bộ, trường học, lễ hội… nên nguy cơ lây bệnh ở nhóm thanh, thiếu niên càng cao.

Ngoài ra, việc tiêm chủng vắc xin hiện chỉ được quan tâm ở trẻ nhỏ, người già, người có bệnh nền mà thiếu đi nhóm thanh thiếu niên. Trong khi đây có thể được xem là nhóm có lối sống dễ lây truyền nhất như thích tụ tập ở nơi đông người, ở chung ký túc xá, tiếp xúc thân mật.
Tổ chức Y tế thế giới WHO khuyến cáo, tiêm chủng là chiến lược kiểm soát tốt nhất giúp dự phòng bùng phát các vụ dịch và các ca bệnh do não mô cầu. Các chuyên gia cho biết vi khuẩn não mô cầu có 13 nhóm huyết thanh não mô cầu, trong đó 6 nhóm A, B, C, X, Y, W là nguyên nhân của 90% các ca bệnh não mô cầu xâm lấn trên thế giới.
Hiện 5 nhóm huyết thanh gây bệnh đã có vắc xin phòng ngừa tại Việt Nam gồm nhóm ACYW của Mỹ, nhóm BC của Cuba và nhóm B của Ý. Một nghiên cứu tại Mỹ về tỷ lệ tử vong theo nhóm huyết thanh gây bệnh não mô cầu được báo cáo trong giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2021, nhóm W có tỷ lệ tử vong cao nhất, chiếm 21,5%, tiếp theo là nhóm C (14,6%), nhóm Y (9,8%) và B (9,6%). Từ khi đưa vào sử dụng, vắc xin cộng hợp tứ giá A, C, Y, W-135 đã giúp giảm đến 90% số ca mắc bệnh ở nhóm thanh thiếu niên do các nhóm huyết thanh chính C, Y, W.
.webp)
Thanh thiếu niên cần tiêm ngừa đầy đủ vắc xin phòng cả 5 nhóm huyết thanh gây bệnh phổ biến. Phòng ngừa thiếu một hoặc một vài nhóm trong 5 nhóm nói trên cũng có thể dẫn đến nguy cơ mắc bệnh do não mô cầu.
Trong đó, vắc xin cộng hợp tứ giá ACYW hiện đang được sử dụng ở hơn 70 quốc gia trên thế giới với hàng trăm triệu liều được sử dụng. Theo số liệu của CDC Mỹ, từ khi đưa vào sử dụng, vắc xin cộng hợp tứ giá ACYW phòng bệnh do não mô cầu đã giảm đến 90% số ca mắc bệnh ở các nhóm huyết thanh chính gây bệnh C, Y và W.