Cuộc đua sinh tử 24h
Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận nhiều dịch bệnh diễn biến phức tạp, trong đó có bệnh do não mô cầu.
Mới đây, TP.HCM vừa ghi nhận một phụ nữ 52 tuổi tử vong sau 6 giờ nhập viện bởi sốc nhiễm trùng do não mô cầu. Một ngày trước, bệnh nhân khởi phát triệu chứng đầu tiên như sốt, ớn lạnh, đau nhức, sau đó xuất hiện các mảng ban màu hồng tím lan ra toàn thân.
Theo Cục Y tế Dự phòng, bệnh có tỷ lệ tử vong cao đến 50% nếu không điều trị kịp thời. Cứ 5 người may mắn thoát chết sẽ có 1 người bị khuyết tật cả đời như chậm phát triển trí tuệ, điếc, liệt, tàn tật…
Theo báo cáo của Bộ Y tế về bệnh truyền nhiễm (năm 2016), bệnh do não mô cầu là một trong 10 bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất (0,006/100.000 dân). Còn theo công bố năm 2023 của Viện Pasteur TP.HCM, tỷ lệ tử vong của bệnh ở trẻ em dưới 5 tuổi khu vực phía Nam giai đoạn 2012-2021 lên đến 8,2%.
Có nhiều năm kinh nghiệm điều trị những người bệnh do não mô cầu, TS.BS Nguyễn An Nghĩa, Phó trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM chia sẻ: “Bệnh diễn tiến nhanh, có thể gây tử vong chỉ trong 24 giờ khiến bác sĩ không kịp trở tay”.
Bệnh có 2 thể phổ biến nhất là viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết và các thể khác ít gặp hơn như viêm phổi, viêm khớp, viêm màng ngoài tim…
Bệnh có các triệu chứng ban đầu dễ bị chẩn đoán nhầm với nhiều bệnh hô hấp khác. Trong 0-8 giờ đầu, các triệu chứng không đặc hiệu (giống như cúm) gồm đau đầu, sốt, viêm họng, sổ mũi, biếng ăn, buồn nôn.
Từ giờ thứ 9 đến giờ thứ 15, xuất hiện tử ban, lạnh tay chân, cứng cổ, sợ ánh sáng. Từ 16 đến 24 giờ, bệnh nhân co giật, mê sảng, mất ý thức, tử vong. Ghi nhận trên thực tế, thời điểm nhập viện của đa số bệnh nhân vào giờ thứ 19, quá muộn để điều trị.
Theo báo cáo Gánh nặng kinh tế - Chi phí bệnh tật ở Đức, từ năm 2001 đến 2015, trung bình mỗi ca bệnh mất từ 57.000 euro (hơn 1 tỷ đồng) đến 171.000 euro (hơn 4,5 tỷ đồng). Ở Việt Nam, người bệnh có thể mất hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng để điều trị bệnh.
TS.BS An Nghĩa cho biết vi khuẩn não mô cầu có đường lây thông qua các giọt nước bọt nhỏ bắn ra khi người nhiễm não mô cầu ho, hắt hơi hoặc tiếp xúc gần. Nguồn lây vi khuẩn não mô cầu có thể từ người bệnh hoặc người khỏe mạnh mang vi khuẩn nhưng không biểu hiện triệu chứng với tỷ lệ khoảng 10-20% dân số chung.
Tiêm vaccine là cách dự phòng bệnh tối ưu nhất
CDC Mỹ ước tính có 1,2 triệu người nhiễm và 135.000 người tử vong bởi bệnh do não mô cầu mỗi năm trên thế giới. PGS.TS Phạm Quang Thái - Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết tại Việt Nam, bệnh do não mô cầu xảy ra rải rác quanh năm. Do đó, chủ động tiêm vaccine, có kháng thể sớm là biện pháp phòng chống bệnh tốt nhất.
Hiện các nhà khoa học đã tìm được 13 nhóm huyết thanh não mô cầu, trong đó 6 nhóm A, B, C, X, Y, W là nguyên nhân của 90% ca bệnh não mô cầu xâm lấn trên thế giới. Dịch tễ học các nhóm huyết thanh có sự biến đổi liên tục theo thời gian ở tất cả quốc gia, vùng địa lý nên khó dự đoán.
Hiện tại, Việt Nam có 3 loại vaccine phòng 5 nhóm não mô cầu khuẩn nguy hiểm trên gồm nhóm A, C, Y, W-135 của Mỹ, nhóm B của Italy và nhóm B, C của Cuba. Trong đó, vaccine cộng hợp tứ giá A, C, Y, W-135 phòng bệnh do não mô cầu đã giảm đến 90% số ca mắc bệnh ở các nhóm huyết thanh chính gây bệnh C, Y và W-135.
PGS.TS Phạm Quang Thái nhấn mạnh nguyên tắc để vaccine tạo miễn dịch bảo vệ tốt nhất là tiêm đúng và đủ phác đồ, kể cả các mũi tiêm nhắc.
Mọi người cần phòng ngừa đầy đủ cả 5 nhóm huyết thanh não mô cầu gây bệnh. Phòng ngừa thiếu một hoặc một vài nhóm có thể dẫn đến nguy cơ mắc bệnh. Vaccine không chỉ có tác dụng bảo vệ đơn lẻ cho sức khỏe cá nhân và gia đình, mà còn giúp ngăn ngừa và hạn chế các ổ dịch phát sinh trong cộng đồng.